NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ LUPUS
Lupus là một bệnh tự miễn nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng của lupus thường xuất hiện rồi biến mất, thay đổi theo thời gian, khiến việc chẩn đoán lupus trở nên khó khăn. Các triệu chứng phổ biến gồm: Đau khớp; Phát ban trên da; Mệt mỏi kéo dài, không rõ nguyên nhân; Sốt dai dẳng nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
Bệnh có thể gây tổn thương bất kỳ cơ quan hoặc mô nào trong cơ thể – từ da, khớp cho đến tim, phổi hoặc thận, huyết học.
Nguyên nhân gây lupus hiện vẫn chưa rõ ràng, có thể do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường.
Lupus không phải là bệnh truyền nhiễm, bạn không thể “bị lây” lupus từ người khác..
Dù chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, nhưng lupus có thể được kiểm soát hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bởi các chuyên gia y tế.
Hãy lắng nghe cơ thể, đừng chủ quan với những dấu hiệu bất thường!

________________________________________________________________________________________________________________________
VÌ SAO BẠN MẮC LUPUS? – HIỂU ĐỂ CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA
Lupus là một bệnh tự miễn phức tạp, không do một nguyên nhân duy nhất mà là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp. Trong đó, di truyền và rối loạn miễn dịch đóng vai trò then chốt:
Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc lupus hoặc mang gen đặc biệt, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Rối loạn miễn dịch: Hệ miễn dịch – vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể – lại “nhầm lẫn”, tấn công chính các tế bào khỏe mạnh, gây viêm và tổn thương ở khớp, da, thận, phổi...
Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm lupus, bao gồm:
Ánh nắng mặt trời: Có thể khiến lupus bùng phát, đặc biệt là phát ban da.
Thuốc: Một số loại thuốc (dùng liều cao, kéo dài) có thể gây lupus do thuốc – chiếm khoảng 10% trường hợp.
Nội tiết tố nữ: Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ mắc lupus cao gấp 9 lần nam giới. Bệnh thường trở nặng trong thai kỳ và giảm nhẹ sau mãn kinh.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng kéo dài có thể kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động quá mức và dẫn đến lupus.
Việc nhận diện sớm các yếu tố nguy cơ giúp bạn chủ động thăm khám, phát hiện và kiểm soát lupus hiệu quả hơn.


________________________________________________________________________________________________________________________
PHÁT HIỆN SỚM LUPUS QUA NHỮNG DẤU HIỆU BÊN NGOÀI
Lupus là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm chính các mô và cơ quan trong cơ thể. Bệnh có thể ảnh hưởng toàn thân, trong đó biểu hiện ngoài da, niêm mạc và tóc là những dấu hiệu dễ nhận biết sớm nhất.
Xem hình dưới đây để biết thêm chi tiết về các biểu hiện bên ngoài của lupus:
Sốt kéo dài, mệt mỏi, sụt cân là những triệu chứng toàn thân thường gặp, đặc biệt là giai đoạn bệnh tiến triển
Ban đỏ hình cánh bướm xuất hiện ở mặt hoặc các tổn thương dạng ""vảy nến"".
Dát đỏ, xuất huyết, dợt, loét và thường không đau ở môi, miệng, mũi hoặc sinh dục
Rụng tóc bất thường
Theo bạn, biểu hiện bên ngoài nào của Lupus dễ bị bỏ qua nhất nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ?
.png)
________________________________________________________________________________________________________________________
NHỮNG TỔN THƯƠNG CƠ QUAN CỦA LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG
Ở phần trước, chúng ta đã cùng tìm hiểu các biểu hiện ngoài da của lupus. Tuy nhiên, bên trong cơ thể mới là nơi lupus âm thầm để lại những tổn thương nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm. Đặc biệt là các cơ quan dưới đây cũng có thể bị tổn thương nghiêm trọng như:
Khớp: Viêm sưng, đau, cứng khớp ở tay, chân, gối... khiến vận động khó khăn.
Cơ: Viêm và yếu cơ, thường cải thiện sau điều trị.
Thận: Viêm thận lupus gây tổn thương chức năng lọc máu.
Tim: Tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp, suy tim.
Phổi: Tràn dịch, đau ngực, khó thở do viêm màng phổi hoặc viêm phổi kẽ.
Thần kinh – Tâm thần: Rối loạn trí nhớ, co giật, trầm cảm, loạn thần.
Tiêu hóa: Buồn nôn, chán ăn, viêm gan, đau bụng.
Hạch & gan lách: Hạch to, gan to, lách to – đặc biệt ở trẻ em.
Máu: Thiếu máu, xuất huyết dưới da.
Xem hình minh họa đi kèm để hiểu rõ hơn các tổn thương bên trong mà lupus có thể gây ra.
Phát hiện sớm và điều trị đều đặn là chìa khóa giúp kiểm soát lupus và hạn chế tối đa các tổn thương ở nội tạng.
.jpg)